Bàn về làm giàu

“Tài sản và sự giàu có chỉ nên được theo đuổi nhằm để duy trì cuộc sống có đạo đức. Cuộc sống có đạo đức là chăm lo được cho bản thân, chăm lo được cơ bản cho gia đình và tham gia vào đời sống chính trị chung. Tuy nhiên việc làm giàu hay tích lũy của cải làm mục tiêu chính yếu của cuộc sống, hay làm giàu chỉ để làm giàu thì hệ quả đương nhiên là sự thoái hóa về đức hạnh”

Aristotle

Bàn về tự sát

1. Tự sát là một vấn đề triết học

Camus viết: “chỉ có một vấn đề triết học duy nhất đáng quan tâm, đó là tự sát” . Không phải ngẫu nhiên mà cái chết và tự sát từ lâu trở thành một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Liệu tự sát là một hành động dũng cảm hay là một việc làm hèn nhát của một kẻ thất bại?

Vấn đề của tự sát khởi nguồn từ câu hỏi :”Chúng ta sống để làm gì?”. Tại sao ta lại phải chấp nhận một đời sống như một nghĩa vụ bắt buộc phải làm. Đa số chúng ta hiểu rằng mình phải sống. Chính cái hiểu ấy tạo nên bi kịch. Như một vòng lặp bất tận, chúng ta sinh ra để chết.

Chúng ta tham gia vào cuộc đời này mà không có một mục đích nào cả. Và bắt buộc rằng, để tồn tại, ta phải tự tạo ra một mục đích cho mình hoặc tự huyễn hoặc mình rằng chúng ta đến với cuộc đời cùng một sứ mạng mà đấng Tối cao đã dành riêng cho ta. Chúng ta cười cợt những kẻ sống không mục đích, những kẻ tìm vui trong những trò ti tiện. Nhưng chúng ta quên rằng, tất cả, ta và chúng đều chỉ là những kẻ tự huyễn hoặc chính mình. Và rồi đến một lúc nào đó, ta sẽ nhận ra rằng mục đích duy nhất để ta sống là ta sẽ chết vào một ngày nào đó.

Cái chết luôn chờ đợi chúng ta. Và con đường đến cái chết chính là phải sống. Tự sát không phải là kết thúc sự sống mà chỉ là bước cuối cùng ta phải đi mà thôi. Và rằng nếu ta không đủ dũng cảm để đi bước cuối cùng ấy thì xin chớ có than vãn làm gì.

“Hãy nhớ rằng cánh cửa đang mở. Đừng hèn nhát hơn lũ trẻ, nhưng như bọn trẻ hay nói, khi trò chơi chẳng còn vui vẻ gì với chúng, ‘Tớ sẽ không chơi nữa’ và anh cũng thế, khi mọi việc có vẻ như vậy đối với anh, hãy nói, ‘Tôi sẽ không chơi nữa’ và bỏ đi, nhưng nếu anh ở lại thì chớ có than vãn.”

2. Động cơ của tự sát.

Trong cuộc đời của mỗi người, đều sẽ ít nhất một lần nghĩ đến tự sát. Nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số ấy đủ “dũng cảm” để thực hiện hành vi tự sát.

Có phải vì ta quá hèn nhát để đi đến cái chết? Không! Bởi vì ta đủ dũng cảm để chiến thắng bản năng chết của mình. Freud chia bản năng con người thành hai nhóm: Eros và Thanatos (Bản năng sống và Bản năng chết). Eros gọi mơ hồ chính là bản năng tính dục. Nó là cái mà ta ham muốn, cái mà ta khát khao, đó là sự sung sướng của nhục dục, của làm tình, của đồ ăn, thức uống, của âm nhạc và cái đẹp,….Eros càng mạnh mẽ thì Thanatos càng yếu đi. Do đó, những người càng nhiều ham thích thì khả năng tự sát sẽ càng thấp.

Thế nhưng lưu ý rằng, Thanatos luôn luôn tồn tại, nó chỉ có thể yếu chứ không thể tiêu diệt. Nó hiện hữu trong đời sống, từ tiềm thức cho đến ý thức. Nó luôn luôn tìm cách để khống chế ta. Và vũ khí lớn nhất của nó chính là Sự lặp lại của những tổn thương. Chúng ta từng gặp một chuyện đau buồn trong quá khứ, và chuyện ấy gây ra những tổn thương trong trái tìm và tinh thần của chúng ta. Nhưng rồi thời gian xoa dịu nó. Cho đến một ngày kia, ta nhìn thấy một cái gì na ná dường như từng gặp, thế là tất cả mọi kí ức đau buồn ấy sẽ như một cơn bão dồn dập ào đến và nhấn chìm ta trong tuyệt vọng. Giây phút ấy, chúng ta dễ bị tổn thương nhất.

Cái chết và tự sát đi theo Thanatos, nó diễn tiến âm thầm mà ta không hề hay biết. Theo thời gian nó gặm mòn chúng ta, ngay cả trong giấc ngủ. Và chỉ cần một câu nói vu vơ của một người xa lạ rất có thể sẽ là một ngòi nổ cho một quả bơm đau thương đưa ta đến tỉnh thức và cái chết!.

“Con sâu vốn ẩn trong trái tim con người. Đó là nơi ta phải tìm kiếm.”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động, nhưng nguyên nhân hiển nhiên nhất đôi khi chẳng phải là nguyên nhân mạnh mẽ nhất. Chúng ta hiếm khi quyết định tự sát sau khi trải qua một quá trình suy nghĩ kỹ lưỡng. Phân tích mọi mặt của quá trình ấy. Nguồn cơn của bi kịch đôi khi chỉ đơn giản và nhỏ nhặt như những lời nói vu vơ của người xa lạ, một bài hát đau buồn gợi lại kí ức đau thương, hay đơn giản chỉ là một dòng tin nhắn mà ta không mong chờ tới. Và do đó, một trong những cách khiến bạn có thể cắt khỏi dòng tự sát nhất thời, đó là lấy một cây viết ra và ghi những lợi hại của hành động mà ta sắp làm. Và rằng, sau khi làm việc đó mà ta vẫn muốn tự sát thì khi ấy không còn gì có thể cản anh ta được nữa!

Sưu tầm

Bàn về lập gia đình

Lập gia đình là phải nghĩ đến việc sinh con… và có con thì phận sự làm cha mẹ bắt buộc ta phải có đủ điều kiện vật chất để nuôi dưỡng và cho ăn học đến nơi đến chốn. Có nhiều gia đình sinh con năm một mà tuyệt nhiên kẻ tạo ra chúng không nghĩ gì đến phương diện dưỡng dục chúng, phó mặc chúng sống lầm than vất vả… Có kẻ còn lương tâm thì lo chạy bán sống bán chết để lo lắng cho con, nhưng càng ngày càng mòn mỏi mà không đâu vào đâu được. Cảnh gia đình túng bấn, cùng khổ làm gì có hạnh phúc đặng. Người đàn ông rất ghét sự cùng túng, hễ cùng túng sinh quạu quọ và làm cho họ trở nên bất công, gia đình sẽ trở nên cảnh địa ngục. Bởi vậy, trước khi nghĩ đến sự lập gia đình thì phải nghĩ trước hết phương tiện kinh tế tối thiểu để nuôi gia đình.

Nếu người đàn ông chưa đủ điều kiện để sống tự lập, chưa có một địa vị hay công ăn việc làm gì chắc chắn… thì đừng bao giờ nghĩ đến hôn nhân. Tiền bạc không gây được hạnh phúc, nhưng sự thiếu thốn nó sẽ là nguồn bất hòa và đau khổ cho những gia đình thiếu sự phòng xa. Có không biết bao gia đình đang sống trong cảnh thiên đàng, bỗng vấn đề tiền bạc đến làm thành địa ngục… Sóng gió trong gia đình thường là do tiền bạc thiếu hụt gây ra. Cho nên vấn đề kinh tế đâu phải là một vấn đề tầm thường, có thể bỏ qua không nghiên cứu kỹ được. Đừng tin những kẻ bảo: đôi quả tim yêu thương trong một chòi tranh là đủ… Thực tế sẽ cho ta thấy đó toàn là ảo mộng! Rất tiếc là chúng ta đều chưa phải bậc “thánh nhân”… để có thể an bần lạc đạo.

Thu Giang – Nguyễn Duy Cần